Nám da (tiếng Nhật là シミ) là các đốm đậm màu trên da. Những đốm sắc tố này khiến cho da bạn mất đi độ tươi sáng và trẻ trung, bởi vậy nó trở thành mối lo lắng, muộn phiền của rất nhiều chị em. Vậy nám da là gì? Có những loại nám da nào? Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Cách ngăn ngừa và điều trị nám da ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này nhé.
Phần đầu bài viết mình sẽ tóm tắt các kiến thức chung về nám da cũng như phương pháp điều trị nói chung. Phần sau mình sẽ giới thiệu một số sản phẩm giúp ngăn ngừa, cải thiện nám da của Nhật.
① Nám da là gì?
Đó là những đốm sắc tố màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, hình thành trên da do sự gia tăng bất thường của melanin (hắc sắc tố). Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nám da, nhưng 1 trong những yếu tố chính là tia cực tím. Ngoài ra, sự rối loạn trong quá trình tái tạo da cũng làm cho melanin tích tụ trên da, gây ra nám.
② Cách nhận biết các loại nám da và phương pháp chăm sóc
Về mặt y tế, nám da được phân thành 6~7 loại, trong đó có 4 loại nám da phổ biến mà nhiều người mắc phải sau đây:
1. Đốm sắc tố lão hóa (日光黒子 hay 老人性色素斑)
- Các đốm sắc tố phẳng và tròn, có kích thước từ vài mm tới vài chục mm hoặc vài cm, chúng có màu nâu nhạt tới nâu đậm hoặc màu đen. Thường được tìm thấy trên xương gò má, trán. Ngoài ra cũng có ở tay, lưng. Loại này phổ biến trong các loại nám da, thường gặp ở độ tuổi 40 trở đi. Nguyên nhân của loại này là do tích tụ melanin dưới tác động của tia cực tím và lão hóa da.
- Biện pháp chăm sóc: cần tránh và ngăn chặn tia cực tím quanh năm bằng các sản phẩm chống nắng. Dùng các loại mỹ phẩm làm trắng cho bước đầu với những đốm mỏng, tuy nhiên đốm đậm màu sẽ không biến mất được, cần điều trị laser.
2. Tàn nhang (そばかす/ 雀卵斑)
- Tàn nhang là những đốm nhỏ lan rộng có đường kính 2~3mm, nhìn kĩ thì không tròn mà ở dạng hình tam giác và hình vuông, hầu hết có màu nâu, thường tập trung quanh mũi. Nguyên nhân phần lớn là do di truyền, có thể bắt đầu xuất hiện từ tầm 3 tuổi và rõ rệt khi đến tuổi thiếu niên/dậy thì. Nó có thể bị dày lên dưới ảnh hưởng của tia cực tím
- Biện pháp chăm sóc: tránh và ngăn chặn tia UV quanh năm bằng các sản phẩm chăm sóc UV. Do các yếu tố di truyền mạnh, tác dụng của mỹ phẩm làm trắng kém hiệu quả. Việc sử dụng bằng điều trị laser có thể khiến nó biến mất, nhưng nó cũng có thể tái phát.
3. Nám nội tiết (肝班)
- Thường xuất hiện đối xứng 2 bên gò má. Ngoài ra có thể xuất hiện ở trán, má, môi trên, cằm dưới, có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Nám nội tiết thường gặp ở độ tuổi 30~40, tuy nhiên ở độ tuổi trên 20 vẫn có thể bị. Nguyên nhân gây ra nám nội tiết là do mất cân bằng nội tiết tố nữ, rối loạn chức năng tuyến giáp, khi mang thai, mãn kinh, khi uống thuốc tránh thai, thậm chí là do stress kéo dài. Tiếp xúc với tia cực tím có thể làm tình trạng nám tồi tệ hơn. Nám nội tiết có thể biến mất sau thai kỳ, hoặc có thể kéo dài và bị nặng hơn nếu tiếp xúc với tia cực tím nhiều.
- Biện pháp chăm sóc: tránh tia UV và ngăn chặn tia UV bằng các sản phẩm chăm sóc UV. Đối với nám nội tiết, thì cần trong dưỡng ngoài thoa, thuốc tranexamic được sử dụng phổ biến cho nám nội tiết, ngoài ra sử dụng các loại mỹ phẩm dưỡng trắng để làm mờ vết nám. Cũng cần chú ý không chà sát quá mạnh khi rửa mặt.
4. Sắc tố sau viêm (炎症後色素沈着)
- Các vết mụn trứng cá và vết côn trùng cắn, vết thương có thể gây ra các đốm sắc tố sau khi viêm da được chữa khỏi.
- Biện pháp chăm sóc: cần chăm sóc giảm viêm là điều quan trọng nhất, sau đó sử dụng các loại mỹ phẩm có tác dụng làm trắng. Cần chú ý là không chà sát quá nhiều khi rửa mặt. Về nguyên tắc, điều trị bằng laser là cấm kỵ.
③ Các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc cụ thể
1. Đối với đường bôi:
Sử dụng các mỹ phẩm có hoạt chất làm trắng được Bộ Y Tế, Lao Động và Phúc Lợi Nhật Bản phê duyệt. Dưới đây là các hoạt chất làm trắng được công nhận và tác dụng của chúng.
- Ngăn chặn, ức chế sự hình thành melanin: Dẫn xuất vitamin C, Arbutin, chiết xuất nhau thai, chiết xuất hoa cúc, Kojic acid, Ellagic acid, Lucinol (4-n-butylresorcinol), Tranexamic acid, Linoleic acid, Potassium methoxysalicylate (4MSK)
- Thúc đẩy bài tiết melanin: Linoleic acid, Adenosine Monophosphate Disodium Salt (AMP), Retinol
- Giảm sắc tố melanin: Dẫn xuất vitamin C
2. Đối với đường ăn và uống:
- Thuốc tranexamic được cho là có hiệu quả cao với nám nội tiết. Sản phẩm nổi bật là Transino II của công ty Daiichi Sankyo Nhật Bản. Đây là dạng thuốc OTC loại 1, được phép bán không cần kê đơn tại các hệ thống drugstore và nhà thuốc. Ngoài ra, nếu các bạn đi clinic khám, sẽ được clinic kê toa loại thuốc tranexamic riêng, với liều lượng mạnh hơn Transino II.
- Nội khoa đường uống tiếp theo là vitamin C. Nó có tác dụng chống oxy hóa, và hoạt động để kiểm soát enzyme hoạt động gây ra nám.
- Nên ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin C và vitamin E.
3. Điều trị tại clinic:
Nếu chúng ta không phân biệt đúng loại nám, thì phương pháp chăm sóc không chuẩn, dẫn tới không mang lại hiệu quả. Vì vậy nếu không xác định được loại nám, các bạn nên tìm đến clinic uy tín, hoạt động lâu năm, để khám và nhận điều trị chính xác. Mỹ phẩm trên thị trường không có tác dụng trị nám, chỉ có tác dụng ngăn chặn sự hình thành melanin, ngăn ngừa nám và tàn nhang. Vì vậy nếu dùng mỹ phẩm mãi không thấy thay đổi, các bạn nên đi clinic trị thiết bị y tế như laser, IPL. Tùy vào loại nám, có thể điều trị laser từ 3 ~10 lần để hết nám sâu. Trong clinic thường sử dụng chất tretinoin, hydroquinone nồng độ cao để đặc trị nám. Và sử dụng phương pháp lột da hóa học kèm nữa.
Ngoài ra các bạn cũng có thể sử dụng phương pháp tiêm truyền các hoạt chất như vitamin C nồng độ cao, nhau thai, tranexamic acid, glutathione…để làm trắng da.
4. Cuối cùng là giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ra melanin và rối loạn chu trình tái tạo da đã liệt kê phía trên. Kết hợp tẩy da chết, massage nhẹ nhàng lưu thông máu, dưỡng ẩm và chống nắng.
Tổng Hợp