TOP những dưỡng chất có lợi cho tim

Nhịp tim có thể thay đổi khi hoạt động thể chất, xúc động, tiêu thụ các chất kích thích như caffeine. Nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi khoảng 60-90 nhịp mỗi phút.

Nhịp tim tăng cao có liên quan đến huyết áp cao, gây áp lực lên thành mạch máu. Mạch máu khỏe mạnh là yếu tố cần thiết giữ nhịp tim ở mức ổn định. Chúng giãn ra và co lại để thích ứng với sự thay đổi về lượng máu do thay đổi nhịp tim. Một số dưỡng chất dưới đây có thể góp phần giữ cho tim khỏe mạnh.

Omega-3 duy trì nhịp tim ổn định

Axit béo omega-3 có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật như các loại hạt, dầu ô liu. Cá béo cung cấp hai dạng omega-3 khác nhau là EPA và DHA.

Omega-3 có tác động đến sự co cơ tim, góp phần duy trì nhịp tim thấp hơn khi hoạt động tăng lên. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nên ăn 2-3 bữa cá béo như cá hồi, cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích mỗi tuần.

Chất xơ giảm chất béo trung tính

Nồng độ chất béo trung tính cao có thể làm tăng nhịp tim, nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực phẩm góp phần giảm chất béo trung tính bao gồm axit béo omega-3, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, hạt quinoa. Ăn nhiều loại đậu, yến mạch, hạt lanh, cám gạo, trái cây và rau củ giúp tăng cường chất xơ, có lợi cho tim.

Chất xơ hỗ trợ loại bỏ chất béo trung tính, phòng ngừa bệnh tim có nhiều trong rau củ, trái cây. Ảnh: Freepik

Magiê, canxi hỗ trợ điều hòa nhịp tim

Chế độ ăn uống tăng cường thực phẩm giàu magiê, canxi góp phần điều chỉnh nhịp tim tốt hơn. Với tim và mạch máu, canxi hỗ trợ quá trình co cơ, trong khi magie giúp các cơ thư giãn để lưu thông máu trơn tru.

Canxi có nhiều trong rau lá xanh, bông cải xanh, khoai tây, cá hồi và các sản phẩm sữa ít béo. Các loại hạt, đậu, khoai lang và ngũ cốc nguyên hạt tăng cường lượng magiê cho cơ thể.

Kali góp phần bảo vệ mạch máu

Huyết áp cao làm tổn thương thành động mạch và lượng cholesterol thừa trong máu bám vào các khu vực bị tổn thương. Theo thời gian các mạch máu thu hẹp và cứng lại, tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đi khắp cơ thể.

Kali làm giãn nở mạch máu, cho phép máu lưu thông nên giảm huyết áp. L­ượng kali ăn vào không đủ có thể gây tăng huyết áp. Mặt khác, natri làm huyết áp lên cao. Thiếu kali và thừa natri có thể dẫn đến huyết áp cao.

Lượng natri khuyến nghị cho mỗi người dưới 2.300 mg một ngày. Kali cần bổ sung đủ 4.700 mg, đến từ thực phẩm như khoai tây, mận khô, nước cam, chuối, cà chua và rau bina.

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh và kiểm soát căng thẳng cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Người có nhịp tim không đều thường xuyên nên đi bác sĩ khám.

Bảo Bảo (Theo Livestrong) – Vnexpress

error: Content is protected !!