Chế độ ăn cân bằng; uống đủ nước; chọn giày dép mềm, tránh quá chật; thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên giúp da gót chân hạn chế khô, vết nứt nẻ.
Da dưới lòng bàn chân, gót chân là một trong những vùng da dễ thô ráp nhất trên cơ thể. Khô da, vết nứt nẻ là vấn đề mà không ít người gặp phải, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng phần nào đến các hoạt động hàng ngày. Các vết nứt nẻ ở gót chân nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể trở nên rất sâu và gây đau, thậm chí bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhất là với người bệnh tiểu đường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm thói quen sinh hoạt như tắm rửa nhiều, tiếp xúc hóa chất, nước; bệnh lý nội khoa như suy thận, đái tháo đường, sử dụng thuốc… Gót chân có vết nứt nẻ không phải là tình trạng đáng lo ngại nếu bạn phát hiện sớm và có các biện pháp điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Các biện pháp để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng khô, vết nứt nẻ vùng da bàn chân nên được thực hiện thường xuyên. Sau đây là gợi ý đơn giản để bạn chăm sóc da.
Lựa chọn giày dép phù hợp
Mang giày dép quá chật khiến da bàn chân phải cọ xát nhiều, máu lưu thông kém, từ đó gót chân trở nên khô sần. Tốt nhất bạn nên chọn giày dép vừa vặn để bảo vệ đôi chân và hỗ trợ di chuyển tốt. Những đôi giày quá cứng cũng không nên chọn, thay vào đó, bạn nên mua những đôi giày mềm mại, tạo cảm giác dễ chịu khi bước đi.
Uống đủ nước, ăn đủ chất
Nước cung cấp độ ẩm, cho làn da khỏe. Thiếu nước sẽ khiến da nhăn nheo, gót chân khô cứng lại và nứt ra thành những rãnh dài. Tác động này càng rõ ràng hơn trong thời tiết lạnh và khô hanh. Để giữ cho gót chân luôn mềm mại, người trưởng thành nên uống khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày. Bạn không đợi đến khi khát mới uống mà nên chủ động uống thường xuyên trong ngày. Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng có ích cho sức khỏe tổng thể, trong đó có cả làn da. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại rau củ quả giúp tăng cường sức đề kháng và cho làn da mịn màng hơn.
Chăm sóc chân
Theo Web MD, vệ sinh đôi chân sạch sẽ mỗi ngày là điều cần thiết. Móng chân nên được cắt gọt ngắn để hạn chế những tình trạng trầy xước, trở thành nơi trú ngụ của các vi khuẩn. Người bị khô da chân nên hạn chế ngâm chân trong nước ấm quá lâu. Bạn nên lựa chọn những loại sản phẩm có độ pH phù hợp, tránh tính axit mạnh, nhất là khi làn da đang có dấu hiệu thô ráp.
Vết chai và vết chai nhẹ thường không cần điều trị và sẽ tự khỏi. Nhưng có một số cách có thể làm giúp chúng biến mất nhanh hơn như mang tất dày để bảo vệ làn da, sử dụng đệm chân mềm khi đi giày, dùng đá bọt chà xát vết chai khi đang tắm.
Bạn có thể tẩy tế bào chết, tự đắp các mặt nạ cho da chân như hỗn hợp sữa tươi, khoai tây, mật ong… Thực hiện 1-2 lần mỗi tuần có thể cung cấp độ ẩm cho làn da bàn chân. Chăm sóc da bàn chân bằng các sản phẩm dưỡng ẩm hàng ngày giúp da khỏe hơn. Kem dưỡng ẩm với các hoạt chất như urea, micro silver giúp da căng ẩm, hạn chế hình thành các vết nứt. Bởi nứt là điều kiện thuận lợi làm tiến triển thành vết thương và nhiễm trùng. Khi thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày, bạn cũng thường xuyên quan sát, phát hiện có những vết nứt nẻ hay các dấu hiệu lạ ở khu vực này và thăm khám sớm.
Khi da gót chân có những vết nứt nẻ sâu, chảy máu, nhiễm trùng hoặc có những vấn đề nghi ngờ bất thường, bạn nên đến bác sĩ để thăm khám. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các hướng dẫn để chăm sóc và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh tiểu đường rất thường gặp các biến chứng bàn chân nên thường xuyên theo dõi mỗi ngày.
Ngọc An (Vnexpress)