TOP 6 yếu tố có nguy cơ gây bệnh xương khớp

Di truyền học

Nhiều bệnh lý về xương có liên quan đến tiền sử gia đình và có thể di truyền qua các thế hệ khác nhau. Nhiều bệnh thường gặp về hệ xương được coi là bẩm sinh vì khởi phát ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các bệnh xương bẩm sinh đều do di truyền mà đôi khi có thể liên quan đến quá trình mang thai, sinh nở.

Các bệnh liên quan đến quá trình chuyển hóa xương như khiếm khuyết về sinh xương, nhuyễn xương và loạn sản xương có thể di truyền thông qua các kiểu di truyền Mendel, thường là từ một gen cụ thể, đơn lẻ. Thống kê cho thấy có hơn 500 kiểu bệnh lý về xương và khớp có liên quan đến kiểu di truyền Mendel.

Giới tính

Phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh khớp (điển hình là viêm khớp, thoái hóa khớp và loãng xương) cao hơn nam giới. Viêm khớp là tình trạng viêm gây ra bởi rối loạn hệ thống miễn dịch bao gồm viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp (RA), viêm cột sống dính khớp và lupus. Nguy cơ phát triển RA ở phụ nữ là 3,6% và đối với nam giới là 1,7%.

Thoái hóa khớp (OA) phổ biến hơn ở phụ nữ do đặc điểm cơ sinh học và hormone. Về mặt cơ sinh học, một đặc điểm khớp riêng biệt ở phụ nữ như hông rộng hơn, khớp linh hoạt hơn và sinh con… đều góp phần tăng nguy cơ OA.

TOP 6 yếu tố có nguy cơ gây bệnh xương khớp. Internet

Suy giảm nội tiết tố, đặc biệt là estrogen và testosterone, được cho là nguyên nhân dẫn tới phát triển bệnh viêm khớp ở phụ nữ. Trên thực tế, tỷ lệ viêm khớp cũng tăng lên sau thời kỳ mãn kinh, thời điểm estrogen bị suy giảm nghiêm trọng.

Giảm testosterone cũng khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vì testosterone giúp xây dựng và tăng cường sức mạnh cơ, hỗ trợ các khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Kết cấu xương nhỏ và mật độ xương do giảm estrogen khi già đi cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị loãng xương hơn.

Tuổi tác

Sự lão hóa của xương dẫn đến tiến triển các bệnh lý xương khớp là tình trạng không hiếm gặp. Trong đó, loãng xương (tình trạng xương trở nên yếu và giòn) thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi do mật độ xương giảm gây ra gãy xương. Yếu cơ cũng có thể là nguyên nhân của sự bất ổn định của xương.

Lão hóa cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của OA, một dạng viêm khớp trong đó sụn khớp ở đầu xương bị hao mòn hoặc phá vỡ. Sụn khớp là mô không thể tái tạo, khi bị phá hủy có thể dẫn đến tổn thương xương và khớp vĩnh viễn.

Nghề nghiệp

Đặc thù công việc liên quan tới vận động mạnh là một trong những yếu tố rủi ro phổ biến đối với bệnh viêm khớp gối. Các yếu tố rủi ro công việc khác góp phần gây viêm khớp bao gồm thường xuyên phải quỳ gối, leo cầu thang, cúi người và lặp đi lặp lại một động tác không đúng tư thế…

Những công việc phải tiếp xúc với các tác nhân độc hại, làm việc trong môi trường có nhiều chất độc cũng có thể gây hại cho xương. Báo cáo đăng trên Tạp chí Viêm khớp, Mỹ năm 2017 cho thấy, những đặc thù công việc này là một yếu tố nguy cơ chính phát triển RA.

Lối sống

Chế độ ăn uống không lành mạnh ít canxi hoặc vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Canxi là một chất dinh dưỡng cần thiết giúp xương khỏe mạnh, trong khi vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi. Giảm lượng canxi góp phần làm giảm mật độ xương, mất xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương.

Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ bị viêm khớp, loãng xương, gây ra nhiều bệnh mạn tính khác và có thể gây hại cho sức khỏe. Duy trì cân nặng hợp lý, bỏ hút thuốc cũng là cách có thể giúp giảm nguy cơ gây các bệnh về khớp và các tình trạng liên quan đến mật độ xương thấp. Hút thuốc, uống nhiều rượu cũng có thể làm giảm quá trình tái tạo xương, tăng nguy cơ gãy xương. Rượu có thể làm mất cân bằng giữa hấp thụ canxi và sản xuất vitamin D.

Yếu tố môi trường

Tiếp xúc với một số chất độc hại như kim loại nặng, độc tố nấm, amiăng, clo, chất ô nhiễm môi trường, nicotine hay hóa chất nghề nghiệp… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Bisphenol A (BPA) là một độc tố được biết đến là nguyên nhân gây ra chứng viêm khớp và các bệnh tự miễn khác (bệnh kích hoạt bởi hệ thống miễn dịch). BPA có thể được tìm thấy trong một số loại sản phẩm tiêu dùng.

Vi khuẩn và vi trùng cũng là tác nhân gây bệnh xương khớp. Trong đó vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm về xương như viêm tủy xương còn vi khuẩn Staphylococcus liên quan đến nhiễm trùng xương. Nhiễm trùng xương hoặc tủy xương do vi khuẩn có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị.

Nếu lo lắng về sức khỏe xương hoặc các yếu tố nguy cơ mắc các, hãy đi thăm khám để bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm giúp xác định nguy cơ và đề xuất các phương pháp phòng ngừa cũng như điều trị kịp thời.

Các sản phẩm bổ sung Calcium:

Các sản phẩm bổ sung Vitamin D3:

Bảo Bảo (Theo Very Well Health) – Vnexpress

error: Content is protected !!