Dị ứng mũi, họng có thể có các triệu chứng ho, hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi… Để giảm bớt sự khó chịu, bạn có thể dùng thuốc không kê đơn, hoặc thuốc kê đơn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, một số loại trà cũng có ích cho trường hợp này.
Trà xanh:
Loại thức uống này góp phần cản trở sự kích hoạt tế bào mast và ngăn chặn histamine. Người bị dị ứng có thể uống 3-5 cốc trà xanh mỗi ngày. Nếu một người được chẩn đoán mắc bệnh gan thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Ở liều cao, trà xanh có thể làm một vài loại thuốc giảm nồng độ trong máu và hiệu quả.
Trà gừng:
Chiết xuất gừng có tác dụng cải thiện triệu chứng ở người bệnh viêm mũi dị ứng. Chiết xuất gừng ít gây ra tác dụng phụ hơn một số thuốc điều trị bệnh này. Có thể cho một túi trà gừng vào 240 ml nước đun sôi và ngâm trong khoảng 10-15 phút, uống khoảng 1-2 cốc mỗi ngày. Nếu cảm thấy khó chịu ở bụng, ợ nóng, tiêu chảy hoặc kích ứng miệng và cổ họng khi uống trà gừng thì nên dừng.
Trà rễ cam thảo:
Do đặc tính chống viêm mạnh nên loại trà này giúp giảm triệu chứng dị ứng và được dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh viêm nhiễm. Người bệnh có thể uống 3-4 cốc mỗi ngày. Tuy nhiên không uống hàng ngày quá 4 tuần vì có thể gây tăng huyết áp và giảm nồng độ kali. Người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim, thận nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Củ nghệ có đặc tính chống dị ứng ngăn chặn sự giải phóng histamin từ tế bào, giúp giảm phản ứng dị ứng. Liều lượng củ nghệ có thể sử dụng từ 0,5 g đến 3 g mỗi ngày.
Trà hương thảo:
Thảo dược này có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Hương thảo được sử dụng hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn và dị ứng. Trà hương thảo có thể gây ra tác dụng phụ như nôn mửa, co thắt nếu dùng lượng lớn nên phụ nữ mang thai cần lưu ý.
Người bệnh dị ứng đang sử dụng thuốc nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng những loại trà này vì một số loại có thể có tác dụng phụ, gây ra tương tác thuốc hay tránh sử dụng khi mang thai.