Cơn đau dạ dày thường ảnh hưởng đến các vùng khác nhau như ruột thừa, gan, tuyến tụy… Bệnh thường gây ra các triệu chứng như ợ chua, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, xì hơi, hơi thở có mùi. Dưới đây là 12 cách góp phần cải thiện các triệu chứng đau dạ dày tại nhà, theo Medical News Today.
Uống nước
Cơ thể cần nước để tiêu hóa và hấp thụ hiệu quả chất dinh dưỡng từ thức ăn. Mất nước do tiêu chảy, nôn mửa, khiến quá trình tiêu hóa khó khăn và kém hiệu quả hơn, tăng khả năng đau dạ dày. Uống nước hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa mất nước và có thể giảm ợ chua. Mỗi ngày người lớn nên uống 8 cốc nước, trẻ 1-3 tuổi cần 4 cốc, trẻ từ 4-8 tuổi uống 5 cốc và trẻ từ 8 tuổi trở lên uống 7-8 cốc nước.
Ăn kiểu BRAT
BRAT là viết tắt của bananas (chuối), rice (cơm), applesauce (sốt táo) và toast (bánh mì nướng). Kiểu ăn này không chứa các chất gây kích ứng dạ dày, cổ họng hoặc ruột nên có thể làm dịu sự kích ứng mô do axit trong chất nôn, giảm tiêu chảy. Chuối có nhiều kali, magiê có thể cung cấp dinh dưỡng bị mất do tiêu chảy và nôn.
Cơm
Cơm có lợi cho người bị đau dạ dày do hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều cơm thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Để ngăn đau dạ dày, mọi người nên ăn chậm, ăn ít chất béo và thực phẩm chế biến sẵn, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.
Tránh thức ăn khó tiêu hóa
Tránh thức ăn khó tiêu hóa giúp xoa dịu dạ dày và giảm cảm giác khó chịu, đau đớn. Các loại thực phẩm làm tăng khả năng khó tiêu gồm thực phẩm béo hoặc có tính axit, sản phẩm từ lúa mì, trái cây tươi và nước trái cây, thức ăn cay, thức ăn nhiều dầu mỡ.
Quả sung
Sung chứa các chất hoạt động như thuốc nhuận tràng có thể giảm táo bón, khó tiêu và khuyến khích nhu động ruột khỏe mạnh. Nếu đang bị tiêu chảy, người bệnh nên tránh ăn sung do tác dụng nhuận tràng của trái cây này.
Nước chanh và baking soda
Theo nghiên cứu của Ấn Độ, hỗn hợp nước cốt chanh với một chút baking soda và nước có thể giảm chứng ợ nóng và khó tiêu, do làm giảm nồng độ axit trong dạ dày. Tuy nhiên, hỗn hợp này có vị không dễ chịu và dùng quá nhiều baking soda có thể gây khó thở, co thắt cơ bắp.
Nước ép lô hội
Nước ép này làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng. Theo nghiên cứu của Mỹ, uống 10 ml sirô lô hội mỗi ngày trong 4 tuần có thể giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược đường tiêu hóa như ợ nóng, ợ hơi, đầy hơi, buồn nôn và nôn, trào ngược axit và thức ăn.
Gừng
Gừng giúp giảm buồn nôn và nôn. Khi bị đau bụng, mọi người có thể thêm gừng vào thức ăn hoặc uống trà gừng. Dùng gừng với liều lượng lớn, có thể có tác dụng phụ như khó chịu ở bụng, ợ chua, tiêu chảy, kích ứng miệng và cổ họng.
Húng quế
Nghiên cứu của Iran chỉ ra rằng, húng quế có thể làm giảm đầy hơi. Lá húng quế cũng chứa hàm lượng axit linoleic cao, có đặc tính chống viêm. Loại rau này thường dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng, siêu thị và trong vườn nhà.
Cam thảo
Uống trà cam thảo (1-2 muỗng cà phê bột cam thảo với nước sôi) nhiều lần trong ngày có thể giảm đau bụng. Người bị huyết áp cao, bệnh thận hoặc tim không dùng cam thảo, vì thảo dược này có thể gây ra phản ứng phụ tăng huyết áp và giảm nồng độ kali.
Tránh nằm nhiều
Khi nằm, axit trong dạ dày có nhiều khả năng trào ngược lên họng, gây ra chứng ợ chua. Bạn nên tránh nằm nhiều để ngăn chứng khó tiêu trở thành ợ chua. Nếu bị đau bụng nên tránh nằm trong ít nhất vài giờ cho đến khi triệu chứng qua đi.
Tránh thuốc lá và rượu
Hút thuốc và uống rượu có thể kích hoạt khó tiêu và bệnh trào ngược đường tiêu hóa. Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác như ung thư. Nếu áp dụng các cách trên nhưng đau dạ dày không thuyên giảm hoặc đau dữ dội và đột ngột kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi, nôn ra máu, phân có máu hoặc đen, khó thở, tức ngực, giảm cân, chán ăn, vàng da, bạn nên đi khám bệnh.
Mời bạn tìm hiểu các sản phẩm hỗ trợ dạ dày sau:
- Bột dạ dày Ohtas Isan của Nhật
- Viên uống dạ dày Kowa của Nhật
- Viên uống dạ dày Eisai Sebuberu Nhật Bản
Mai Cát (Theo Medical News Today) – Nguồn: Vnexpress