1. Vì sao mỹ phẩm cần chất bảo quản
Chất bảo quản là một nhóm thành phần thiết yếu trong mỹ phẩm. Bất cứ sản phẩm chăm sóc da hay trang điểm nào có nước hoặc có khả năng tiếp xúc với nước cũng cần có các chất bảo quản ở trong đó.
Khác với thực phẩm đóng hộp – khi đã khui hộp ra là sẽ dùng hết ngay, mỹ phẩm đã mở ra thì phải dùng trong nhiều tháng. Có chứa nước và tiếp xúc với không khí trong một thời gian dài như vậy, mỹ phẩm là một môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm men phát triển. Và vì thế, mỹ phẩm phải có chất bảo quản.
2. Paraben – chất bảo quản được ưa dùng nhất trong mỹ phẩm
Paraben là một nhóm chất bảo quản được sử dụng nhiều nhất và lâu đời nhất trong lịch sử mỹ phẩm. Không chỉ tồn tại trong mỹ phẩm, paraben còn xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm, thuốc, kem đánh răng và nước súc miệng. Có một thống kê cho rằng ít nhất 90% các loại mỹ phẩm có chứa một hoặc nhiều loại paraben. Và có thể nói chưa có loại chất bảo quản nào có một lịch sử sử dụng lâu năm và được ưu ái nghiên cứu đi nghiên cứu lại như nhóm chất bảo quản này.
Sở dĩ paraben được sử dụng rộng rãi như vậy vì chúng có giá tương đối thấp, hiệu quả cao và dễ sử dụng hơn các loại chất bảo quản khác. Một hỗn hợp paraben có thể bảo vệ sản phẩm khỏi đa dạng các loại vi sinh vật. Paraben còn có thể sử dụng trong khoảng môi trường pH rộng từ 3 đến 8, có nghĩa là gần như có thể bao quát tất cả các sản phẩm chăm sóc da trên thị trường. Paraben cũng có khả năng chịu nhiệt rất tốt và tính ổn định cao. Trong khi đó, các loại chất bảo quản khác thì có giới hạn về phạm vi vi sinh vật, môi trường pH, và tính ổn định kém hơn nhiều. Các loại mỹ phẩm không chứa paraben thường có giá thành đắt và hạn sử dụng ngắn.
Nhóm chất bảo quản paraben gồm có: methylparaben, ethylparaben, butylparaben, isobutylparaben, propylparaben, isopropylparaben, phenylparaben, pentylparaben và benzylparaben.
- Những loại phổ biến nhất trong mỹ phẩm là methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben.
- Những loại mới được Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN mới khuyến cáo ngưng sử dụng là isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben.
Như vậy có thể thấy rằng, những loại paraben vừa được khuyến cáo ngưng sử dụng không phải là các loại paraben phổ biến nhất trong mỹ phẩm.
3, Paraben có nguồn gốc tự nhiên
Đó là điều ít ai ngờ về paraben.
Paraben được tạo nên từ một loại acid có tên là p-hydroxy-benzoic acid lấy từ quả mâm xôi (raspberry) và mâm xôi đen (blackberry). Khái niệm “nguồn gốc tự nhiên” sinh ra để chỉ đa số hóa chất, vì hầu hết (nếu không muốn nói là toàn bộ) các loại hóa chất nói chung và trong mỹ phẩm nói riêng đều phải bắt nguồn từ thiên nhiên.
Vì thế, nếu một hãng mỹ phẩm nào đó vừa đưa ra khái niệm “nguồn gốc tự nhiên” vừa hô hào “không paraben” trong cùng một sản phẩm, có thể nói là họ đang tự gây ra mâu thuẫn cho sản phẩm của mình.
4. Vậy Paraben có lỗi không?
Thêm nữa, mặc dù paraben có thể bắt chước hành vi của estrogen lên cơ thể, các nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động này của paraben yếu hơn rất nhiều so với estrogen tự nhiên. Ví dụ như butylparaben chỉ bằng một phần mười nghìn (đến một phần trăm nghìn) so với estradiol (một dạng estrogen) tìm thấy trong nguồn nước. Ngoài ra, có nhiều nguyên liệu mỹ phẩm khác cũng có hành vi này, ví dụ như nhân sâm, dong quai, đậu nành, ba lá đỏ.
Khi sản xuất mỹ phẩm, paraben được sử dụng ở một tỉ lệ rất thấp. Vào năm 1984, tổ chức Cosmetic Ingredient Review (Dịch nghĩa: Xem xét thành phần mỹ phẩm, có trụ sở tại Washington DC, Mỹ) kết luận methylparaben, propylparaben và butylparaben có thể dùng trong mỹ phẩm với tỉ lệ lên đến 25%. Hiện tại, các loại paraben khác nhau dùng trong mỹ phẩm chỉ dừng ở tỉ lệ từ 0,01 đến 0,3%.
5. Kết luận
Cho đến nay, câu hỏi “Paraben trong mỹ phẩm có gây ra ung thư vú hay không?” vẫn chưa có lời giải đáp. Tất nhiên, để bảo đảm an toàn, hiện tại không nhiều sản phẩm lăn nách có chứa paraben. Và các dòng mỹ phẩm “nói không với paraben” sinh ra để tạo sự khác biệt so với 90% sản phẩm chứa paraben trên thị trường.
Quyết định ngừng lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm chứa 5 loại paraben của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) là một trong nhiều động thái của các nước ASEAN trong tiến trình xây dựng cộng đồng chung. Dù rằng chưa thể khẳng định tác hại của paraben trong mỹ phẩm, đây là một nỗ lực bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực.