Cơ thể sản xuất quá nhiều hormone gây căng thẳng khi rối loạn giấc ngủ dẫn đến mức cholesterol mất cân bằng.
Ngủ là thời gian giúp cơ thể phục hồi, nạp lại năng lượng. Khi ngủ, cơ thể giải phóng các hormone giúp các mô và tế bào sửa chữa sau những căng thẳng trong ngày. Đồng thời, huyết áp sẽ giảm xuống, nhịp tim chậm lại, hơi thở được thư giãn giúp trái tim phục hồi.
Trong một nghiên cứu trên 2.705 người trưởng thành, những người có xu hướng ngủ quá ít mỗi đêm có nhiều khả năng có chất béo trung tính cao và HDL – cholesterol thấp (còn gọi là cholesterol tốt), còn LDL -cholesterol (cholesterol xấu) của họ không bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ. Những người ngủ 8 tiếng mỗi đêm có chỉ số HDL cao nhất.
Cholesterol là một chất béo có trong máu, thành phần không thể thiếu để tạo nên màng tế bào, đóng vai trò trung tâm trong nhiều quá trình sinh hóa. Chất béo này cần thiết cho các hoạt động của não, hệ miễn dịch, đảm bảo chức năng sống, duy trì nòi giống.
LDL- cholesterol được coi là cholesterol “xấu” vì khi dư thừa, chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Còn HDL- cholesterol được mệnh danh là cholesterol “tốt” vì chúng dọn dẹp cholesterol dư thừa và chuyển nó đến gan.
Nếu bạn không ngủ đủ giấc, các hormone quan trọng có thể bị mất tác dụng. Lúc này, cơ thể sản xuất quá nhiều hormone gây căng thẳng cortisol và hormone kích thích thèm ăn ghrelin, nhưng lại sản sinh ít leptin, hormone điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Sự mất cân bằng nội tiết tố này sẽ khiến khiến lượng cholesterol mất cân bằng.
Chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể ảnh hưởng đến cholesterol. Những người bị gián đoạn giấc ngủ do ngưng thở khi ngủ thường có lượng cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol và chất béo trung tính cao trong máu và mức HDL- cholesterol thấp. Những người bị ngưng thở khi ngủ cũng có xu hướng thừa cân, điều này có thể dẫn đến cholesterol cao.
Ngủ quá ít
Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến cholesterol của nam giới và nữ giới theo những cách khác nhau. Trong một nghiên cứu lớn, những người đàn ông ngủ ít hơn 6 tiếng trong hầu hết các đêm có lượng LDL – cholesterol cao hơn, nhưng những phụ nữ ngủ cùng thời lượng lại có lượng LDL thấp hơn. Đàn ông và phụ nữ ngáy khi ngủ có mức HDL – cholesterol thấp hơn .
Thiếu ngủ hoặc thức cả đêm cũng có thể làm tăng mức cholesterol. Trong một nghiên cứu, những con chuột thiếu ngủ có lượng cholesterol trong máu cao hơn và tích tụ nhiều cholesterol hơn trong gan.
Những con chuột bị thiếu ngủ cũng bị giảm 2 hormone leptin và resistin trong máu. Đặc biệt, leptin có thể liên quan đến cholesterol cao vì nó giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và sự thèm ăn.
Ngủ quá nhiều
Trong một nghiên cứu về người trưởng thành ở Nhật Bản, những phụ nữ ngủ từ 8 tiếng trở lên mỗi đêm có xu hướng có lượng HDL – cholesterol thấp và những phụ nữ ngủ ít hơn 5 tiếng hoặc 8 tiếng trở lên mỗi đêm có lượng chất béo trung tính cao. Những người đàn ông ngủ quá ít có nguy cơ LDL cholesterol cao hơn những người ngủ 8 tiếng trở lên mỗi đêm. Mức cholesterol LDL là như nhau đối với những phụ nữ ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
Cách cải thiện giấc ngủ
Để giúp có giấc ngủ chất lượng cao mỗi đêm, mỗi người nên duy trì cố định giờ đi ngủ và thức dậy; lên kế hoạch ngủ ít nhất 7 tiếng nhưng không quá 8 tiếng mỗi đêm; đừng ngủ ít hơn vào các đêm trong tuần rồi cố gắng ngủ bù vào cuối tuần.
Bên cạnh đó, mỗi người hãy chắc chắn rằng phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh. Nếu có thể, hãy bật quạt, lắp rèm hoặc rèm cản sáng và sử dụng nút bịt tai. Đọc sách cũng giúp thư giãn trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, mỗi người nên hạn chế sử dụng điện thoại khi đi ngủ, tránh đi ngủ khi ăn quá no hoặc quá đói; cắt giảm rượu, caffein. Trước khi đi ngủ, hãy giảm căng thẳng và căng cơ bằng các động tác kéo giãn nhẹ nhàng.
Xem thêm sản phẩm hữu ích:
- Giảm mỡ máu & cholesterol Hisamitsu Nhật Bản
- Giảm mỡ máu Cholesterol Nature Made CholestOff Plus
- Bổ tim mạch Blackmores CoQ10 150mg
Lê Nguyễn (Theo WebMD) – Vnexpress