Giá trị dinh dưỡng và TOP những lợi ích sức khỏe của cà rốt

Giá trị dinh dưỡng của cà rốt

Cà rốt, Ảnh internet

Cà rốt được trồng đầu tiên ở Afghanistan vào khoảng năm 900 sau Công nguyên. Nhiều người biết đến cà rốt với màu cam rực rỡ đặc trưng, nhưng thực tế thì loại củ này cũng có các màu sắc khác, chẳng hạn như tím hoặc vàng, đỏ và trắng.

Loại củ phổ biến và đa năng này có thể mang hương vị hơi khác nhau tùy thuộc vào màu sắc, kích thước và nơi trồng. Đường trong cà rốt tạo ra vị ngọt nhẹ, nhưng đôi khi cũng có thể mang mùi đất hoặc hơi đắng.

Một khẩu phần nửa cốc cà rốt có:

  • 25 calo;
  • 6 gram carbohydrate;
  • 2 gram chất xơ;
  • 3 gram đường;
  • 0,5 gram protein.

Cà rốt là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất quan trọng. Dựa trên nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của một người, nửa cốc cà rốt có thể đáp ứng tới:

  • 73% nhu cầu vitamin A;
  • 9% vitamin K;
  • 8% lượng kali và chất xơ;
  • 5% vitamin C;
  • 2% canxi và sắt.

TOP những lợi ích sức khỏe khi ăn cà rốt

Ảnh minh họa. Internet

Rất tốt cho đôi mắt

Đây được xem là công dụng sức khỏe nổi tiếng nhất của cà rốt. Chúng giàu beta-carotene – một hợp chất mà cơ thể chuyển thành vitamin A, hay còn gọi là tiền vitamin Agiúp mắt khỏe mạnh. Hơn nữa, beta-carotene còn giúp bảo vệ đôi mắt khỏi ánh nắng mặt trời và làm giảm nguy cơ bị đục thủy tinh thể ,cũng như các vấn đề thị lực khác.

Cà rốt màu vàng có chứa lutein, cũng rất tốt cho đôi mắt của bạn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dưỡng chất này có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác – nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở Hoa Kỳ.

Hỗ trợ sức khỏe trái tim

Tất cả những chất chống oxy hóa đều tốt cho tim của bạn. Bên cạnh đó, một củ cà rốt vừa sẽ cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hàng ngày, giúp thư giãn các mạch máu, tránh nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác. Hơn nữa, cà rốt có chất xơ, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn nhiều chất xơ cũng có thể hạ lipoprotein mật độ thấp trong máu, hay còn gọi là LDL cholesterol xấu. Cuối cùng, cà rốt đỏ cũng có lycopene, giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C trong cà rốt giúp cơ thể tạo ra các kháng thể bảo vệ hệ miễn dịch, đồng thời tiếp nhận và sử dụng sắt, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng. Vitamin C còn góp phần sản xuất collagen – thành phần chính của mô liên kết, rất cần thiết để chữa lành vết thương và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Điều trị táo bón

Nếu bạn gặp khó khăn khi đi vệ sinh, hãy thử nhai vài củ cà rốt sống. Với hàm lượng chất xơ cao, chúng có thể điều trị táo bón và giúp bạn bài tiết chất thải thường xuyên, đều đặn hơn. Ngoài ra, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotene có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết (đại trực tràng) và tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa nói chung.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Cà rốt có chứa đường tự nhiên, 10% củ cà rốt là carbohydrate và gần một nửa trong số này là đường. 30% khác của hàm lượng carbohydrate này là chất xơ. Nhìn chung, cà rốt là một loại thực phẩm ít calo, nhiều chất xơ, tương đối ít đường. Nhờ đạt điểm chỉ số đường huyết (GI) thấp, khoảng 39 điểm GI cho cà rốt luộc, cà rốt không có khả năng kích hoạt tăng đột biến lượng đường trong máu và an toàn cho người bệnh tiểu đường. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 hoặc giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu.

Giúp xương chắc khỏe

Ngoài ra, cà rốt còn chứa vitamin K, một lượng nhỏ canxi và phốt pho, góp phần vào sức khỏe của xương và giúp ngăn ngừa loãng xương.

Những rủi ro khi ăn cà rốt quá nhiều

Ảnh minh họa. Internet

Mặc dù carot có tốt cho sức khỏe, nhưng nếu nạp quá nhiều beta-carotene, làn da của bạn có thể chuyển sang màu vàng cam. Tình trạng này được gọi là Thâm nhiễm caroten trong máu (carotenemia), tương đối vô hại và có thể điều trị được. Nhưng trong trường hợp nặng, carotene huyết có thể cản trở chức năng của vitamin A, làm ảnh hưởng đến thị lực, xương, da, trao đổi chất hoặc hệ thống miễn dịch của bạn.

Quá nhiều beta-carotene cũng có thể gây ra vấn đề cho những người bị rối loạn chuyển hóa vitamin A, chẳng hạn như bệnh nhân suy giáp.

Một số người cũng bị dị ứng với các hợp chất trong cà rốt. Nếu gặp triệu chứng nổi mề đay, sưng và khó thở sau khi ăn cà rốt thì cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ – một phản ứng tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng. Người có tiền sử dị ứng với cà rốt nên kiểm tra cẩn thận các thành phần trong sinh tố, súp rau củ và một loạt các sản phẩm khác trước khi dùng.

Những cách chế biến cà rốt

Ảnh minh họa. Internet

Cà rốt thường có mặt trong nhiều chế độ ăn kiêng phổ biến, như thuần chay, keto, eat-clean, low carb, v.v. Đây cũng là một loại rau đa năng, có thể ăn sống, hấp, luộc, nướng hoặc làm nguyên liệu trong các món súp và hầm quen thuộc.

Để sơ chế, cần rửa kỹ cà rốt trong nước để tẩy sạch mọi bụi bẩn. Bạn có thể bóc vỏ cà rốt bằng dụng cụ bào hoặc dao nếu thích, nhưng không nhất thiết phải gọt vỏ.

Sau đó bạn có thể:

  • Cắt cà rốt thành que sợi nhỏ và ăn trong món khai vị hoặc xà lách trộn;
  • Thêm cà rốt cắt nhỏ vào các món nướng;
  • Làm nước ép và sinh tố để có hương vị ngọt tự nhiên, dịu nhẹ.

Lưu ý, luộc có thể làm giảm hoặc loại bỏ một số hàm lượng vitamin. Vì vậy ăn cà rốt sống hoặc hấp là cách đảm bảo giá trị dinh dưỡng nhất. Ngoài ra, carotenoids và vitamin A có thể hấp thụ tốt hơn khi có chất béo. Do đó, mọi người nên ăn cà rốt với một nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như quả bơ hoặc các loại hạt.

Nguồn tham khảo: webmd.com; medicalnewstoday, vinmec

error: Content is protected !!