Cẩm nang Ramen Nhật Bản, các loại ramen, cách gọi món, cách ăn ramen

Ramen Nhật Bản có rất nhiều loại khác nhau, số cửa hàng ramen cũng nhiều không đếm xuể. Bài viết này sẽ giới thiệu các thông tin hữu ích bạn nên biết khi ăn ramen tại Nhật như ramen là món ăn như thế nào, cách ăn, cách gọi món.

Thông tin cơ bản, các câu hỏi thường gặp về ramen

Ramen của Nhật rất phong phú và thật khó để giải thích một cách đơn giản. Tác giả của bài viết này đã từng ăn đến hơn 5,000 bát mì, sẽ trao đổi ý kiến của cá nhân và giới thiệu các thông tin cơ bản về ramen cùng với việc giải đáp các câu hỏi thường gặp về ramen.

Ramen là gì?

Ở Nhật, ngoài ramen còn có nhiều loại mì khác nhau nữa như soba hay udon, nhưng điểm khác nhau cơ bản giữa ramen và các loại mì khác đó là việc sử dụng sợi mì Trung Hoa. Khi làm ra sợi mì Trung Hoa này, người ta còn phải sử dụng dung dịch nước muối có tính kiềm được gọi là “Kansui“.

Nhờ sử dụng “Kansui” mà sợi mì ramen có hương vị, màu sắc đặc thù của sợi mì Trung Hoa khác với udon hay soba. Tuỳ từng cửa hàng và từng địa phương mà cũng có nơi không sử dụng “Kansui” khi làm ramen nhưng nếu không sử dụng “Kansui” nghiêm ngặt thì theo quy định tại Nhật, sợi mì đó sẽ được phân loại là udon.

Trong món ramen, điều quan trọng nhất đó là sợi mì. Mặc dù khi ăn ramen, chúng ta thường sẽ chú tâm vào nước dùng nhưng các bạn hãy thử để ý vị của sợi mì xem nhé.

7 loại vị cơ bản của ramen Nhật Bản:

Trong trang này, tôi sẽ trình bày cách phân loại theo vị của ramen. Cũng có những loại ramen không tương ứng với những loại dưới đây, vì vậy các bạn hãy xem đây là cách phân loại chung nhé.

1. Shoyu ramen

Loại ramen phổ biến nhất ở Nhật là shoyu ramen. Ở các cửa hàng ramen đầu tiên tại Nhật ở Asakusa thuộc Tokyo từ cách đây 100 năm trước, người ta đã phục vụ shoyu ramen.

Nước sốt Tare có vị cơ bản là shoyu cùng với nước dùng được ninh từ thịt heo, thịt gà, các loại hải sản,…các loại shoyu và nước dùng khác nhau cũng tuỳ từng cửa hàng và từng khu vực. Vì vậy mặc dù chỉ nói rất đơn giản là shoyu ramen thì hương vị cũng có nhiều loại khác nhau. Tuỳ từng loại mì kết hợp mà ấn tượng khi ăn cũng rất khác nhau.

2. Shio ramen

Nhìn chung shio ramen có hương vị khá dịu và nhẹ nhàng. Khác với shoyu và miso, muối bản thân nó không tạo ra màu sắc vì vậy nước dùng cũng trong suốt, và vì vậy các bạn sẽ thấy món ramen này có độ trong.

So với shoyu ramen và miso ramen thì có thể dễ dàng nhận thấy đặc trưng của nguyên liệu, cũng có thể nói đây là loại ramen mà việc chế biến không đơn giản. Những năm gần đây, có nhiều loại shio ramen có hương vị đậm đà, có vị ngọt từ nước dùng và nước sốt tare vị muối.

3. Miso ramen

Mặc dù không có nhiều cửa hàng có thể ăn như shoyu ramen hay shio ramen, nhưng miso ramen cũng rất được yêu thích bởi người Nhật. Có lẽ đó là do món Sapporo miso ramen của Hokkaido mang lại.

Trong chiếc chảo gang tròn sâu lòng, người đầu bếp sẽ chiên ở nhiệt độ cao các nguyên liệu như miso, rau, rồi thêm nước dùng vào, nhờ đó mà tạo ra được hương vị đặc thù của miso ramen.

Trên bề mặt món ăn sẽ có mỡ, làm cho món ăn có vị đậm, đồng thời cũng đóng vai trò như nắp vung, tránh cho nước dùng nhanh bị nguội.

4. Tonkotsu ramen

Món ăn được đặc biệt yêu thích rộng rãi ở Kyushu Tonkotsu ramen. Thông thường nước dùng có màu trắng đục với xương heo được ninh nhừ trong nhiều giờ, độ đậm và hương vị của mì khác nhau tuỳ theo từng loại thịt heo được sử dụng và thời gian ninh.

Món ăn có đặc trưng là việc sử dụng sợi mì mảnh, lượng mì cũng ít hơn các loại khác, đặc biệt ở Hakata thuộc tỉnh Fukuoka, khu vực Kyushu còn có dịch vụ kaedama, nhiều cửa hàng sẽ áp dụng cách gọi mì thêm dần dần khi ăn. Ở các địa phương thuộc Kyushu, tonkotsu ramen cũng hay sử dụng tỏi làm gia vị, là 1 trong những đặc trưng của món ramen ở đây.

5. Toripaitan ramen

Toripaitan ramen nhìn bên ngoài khá giống với tonkotsu ramen do nước dùng trắng đục được ninh từ xương gà trong nhiều giờ nhưng vị thì lại hoàn toàn khác.

Tonkotsu ramen cũng tuỳ từng cửa hàng và tuỳ từng khu vực mà sẽ có mùi rất đặc thù, nhưng toripaitan ramen thì hầu như không có mùi như thế. So với tonkotsu ramen thì ít bị chia thành 2 trường phái rõ ràng thích hoặc không thích, cũng có thể nói đây là loại ramen rất dễ ăn.

6. Tsukemen

Tsukemen là món mì được chấm vào nước dùng khi ăn giống món zarusoba. Ramen thông thường là sợi mì được luộc chín rồi cho vào nước dùng nóng hổi, tuy nhiên tsukemen thì sợi mì sau khi được luộc chín sẽ được trụng qua nước lạnh, ăn cùng với bát nước dùng để riêng.

Nguyên liệu chính vẫn là mì nhưng sợi mì to hơn sợi mì ramen thông thường, lượng cũng nhiều hơn. Nước dùng cũng có vị đậm đà để ăn kèm với sợi mì cho phù hợp.

Và do đó, các bạn có thể gọi “soup wari“, tức là sau khi ăn hết mì, nước dùng sẽ được làm nhạt đi bằng nước dùng khác để uống.

7. Aburasoba

Aburasoba nói một cách đơn giản là loại ramen không có nước dùng, còn được gọi là “mì không có nước dùng”, hay “mì trộn”.

Mặc dù không có nước dùng nhưng có thể các bạn sẽ thấy khác lạ khi xếp vào cùng loại với ramen, tuy vậy ở Nhật lại vẫn được chấp nhận rộng rãi.

Đặc trưng của món ăn là thưởng thức mì cùng với nước sốt tare rất ít, nước sốt sẽ hay bị còn lại ở dưới đáy bát vì vậy các bạn nên trộn thật đều khi ăn. Hơn nữa, khác với cái tên Aburasoba (mì soba dầu), phần không có nước dùng sẽ ít calo hơn là ramen.

Topping trong món ramen

Phần topping trong món ramen rất đa dạng, tuỳ theo loại ramen và tuỳ từng khu vực mà có sự khác nhau khá nhiều, trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu 1 số loại tiêu biểu.

Chashu

Đây là thịt heo nguyên miếng được ướp nước sốt tare và rán lên rồi thái mỏng, là 1 trong những loại topping không thể thiếu trong món ramen. Có nhiều loại sử dụng thịt gà mà không phải thịt heo nhưng vẫn được coi như thịt chashu.

Ngoài ra, vị trí phần thịt sử dụng, việc tẩm ướp gia vị và phương thức chế biến cũng khác nhau, tuỳ từng cửa hàng và từng khu vực mà món ăn cũng khác nhau.

Đặc biệt những năm gần đây, chúng ta thường bắt gặp thịt chashu có màu sắc tươi sáng, nhiều nước thịt do sử dụng phương thức chế biến ở nhiệt độ thấp là cách chế biến món ăn thường thấy trong các món ăn Pháp.

Menma

Menma là măng ngâm muối sau khi luộc kỹ, rồi cho lên men, là topping đặc trưng trong món ramen mà không có ở udon hay soba.

Thông thường măng được thái miếng dày, cứng nhưng gần đây các bạn có thể thấy menma được sử dụng phần mềm ở đầu ngọn.

Ngoài việc sử dụng làm topping khi ăn ramen, menma còn được yêu thích như món nhắm rượu, các bạn có thể ăn khi uống bia trước khi ăn ramen.

Nori

Là tảo biển được phơi khô, là 1 trong những nguyên liệu truyền thống thường được sử dụng trong món sushi ở Nhật. Nori có hương thơm đặc thù, giàu dinh dưỡng và có vị ngọt.

Vị ngọt của nori tương ứng với vị ngọt của nước dùng nên vị của ramen đậm đà hơn.

Tuy nhiên, cũng tuỳ từng loại ramen mà cũng có khi hương vị của nori sẽ không phù hợp với nước dùng đó, vì vậy cũng có những loại ramen không cho nori.

Negi

Negi (hành) có hương thơm và vị cay đặc thù rất hợp với ramen. Về cơ bản đây là loại gia vị nên không phải là món bắt buộc phải cho vào khi ăn ramen nhưng thỉnh thoảng các bạn sẽ thấy ramen với rất nhiều negi làm chủ đạo.

Loại negi được sử dụng cũng khác nhau tuỳ theo từng khu vực, ở khu vực phía Đông của Nhật Bản ví dụ như Tokyo, người ta thường sử dụng loại hành trắng, còn ở khu vực phía Tây Nhật Bản ví dụ như Kyoto, Osaka, người ta thường sử dụng hành xanh.

Ở những nơi mà negi là đặc sản thì cũng có nhiều cửa hàng ramen sử dụng negi đặc sản đó.

Ajitama

Đây là loại trứng luộc được ngâm trong vị nước sốt tare. Trong các món ramen thông thường thì phần lớn người ta sẽ không cho trứng vào, về cơ bản đây là topping có mất phí.

Để tẩm ướp gia vị, thông thường người ta sẽ sử dụng nước sốt tare có vị shoyu, nhưng người ta cũng sử dụng cả muối, miso. Nhiều cửa hàng sẽ để phần lòng đỏ bên trong có dạng lòng đào, nhưng ở 1 số cửa hàng lâu đời, có những nơi người ta sử dụng trứng luộc thật kỹ, chín đến tận bên trong.

Cách gọi món ramen:

Về cách gọi món ramen ở Nhât, thường được chia thành 2 loại chính. Cách thứ 1 là xem bảng thực đơn và gọi nhân viên phục vụ, hoặc một cách nữa là chọn ramen tại máy bán vé rồi mua vé.

Cách ăn ramen:

Tại Nhật, khi ăn các loại mì như ramen, udon hay soba, người ta thường có thói quen phát ra thành tiếng húp xì xụp. Có dữ liệu cho rằng khi húp xì xụp như thế, sợi mì sẽ quyện cùng nước dùng hơn, dễ cảm nhận được hương vị của mì hơn.

Điểm cần lưu ý ở đây là khi ăn mì, các bạn sẽ húp thật mạnh giống như húp cùng với cả không khí nữa. Trong số khách du lịch đến Nhật, có lẽ nhiều người sẽ thấy không quen, nhưng các bạn hãy thử ăn mì thật thoải mái mà không cần phải ngượng ngùng.

Trong cách thưởng thức ramen thì không có quy định gì đặc biệt khác. Các bạn có thể tuỳ ý ăn mì, nước dùng, topping theo thứ tự yêu thích.

Các loại ramen địa phương ở Nhật Bản:

Các loại ramen rất phong phú, còn có cả “ramen địa phương” gắn liền với mỗi địa phương ở Nhật. Trong các loại ramen địa phương, có nhiều loại liên quan mật thiết với lịch sử, khí hậu của nơi đó, vì vậy việc tìm hiểu về các loại ramen đó cũng rất thú vị.

Trong bài viết này, tôi không thể giới thiệu toàn bộ các loại ramen nên sẽ đơn cử 1 số loại cơ bản tiêu biểu của các địa phương từ Hokkaido đến Kyushu, theo thứ tự từ Bắc đến Nam.

1. Sapporo ramen, Hokkaido

Trong số các loại ramen của địa phương tại Nhật, một trong những loại đặc biệt nổi tiếng là Sapporo ramen. Người ta sẽ xào rau, thịt,…trong chảo sâu lòng rồi cho thêm nước dùng, đun ở nhiệt độ cao. Có các loại vị là shoyu, muối, miso nhưng được biết đến nhiều nhất là miso ramen.

Nước dùng miso đậm đà, thơm mùi gia vị, bề mặt nổi nhiều mỡ béo, tạo ra vị đậm đà cho bát mì và cũng đóng vai trò như nắp vung để nước dùng đỡ bị nguội lạnh. Người ta cho rằng cách làm này chỉ có ở Hokkaido nơi có mùa đông rất lạnh.

Món ramen này thường sợi mì xoăn, to sợi, thường được luộc chín mềm.

2. Asahikawa ramen, Hokkaido

Nhắc đến món ramen nổi tiếng ở Hokkaido không kém Sapporo ramen đó là Asahikawa ramen. Ramen thông thường ở đây là shoyu ramen, nhưng cũng có nhiều cửa hàng có shio ramen và miso ramen. So với Sapporo ramen thì có thể nói đây là món ramen chính thống.

Nước dùng thường được gọi là double soup do có sự kết hợp giữa nước dùng từ động vật ví dụ như xương heo và nước dùng từ hải sản như cá mòi khô, vị cũng khá đậm đà. Giống với Sapporo ramen, loại ramen này cũng có nhiều mỡ béo, giúp nước dùng lâu bị nguội.

Sợi mì xoăn và ít nước, nên hút khá nhiều nước dùng là đặc trưng của món ramen này.

3. Hakodate ramen, Hokkaido

Cùng với Sapporo, Asahikawa, một địa điểm nữa có ramen nổi tiếng ở Hokkaido là Hakodate. Sapporo có miso ramen, Asahikawa có shoyu ramen thì Hakodate có shio ramen. Trong số các loại ramen địa phương nổi tiếng trên toàn quốc thì shio ramen là rất hiếm gặp.

Shio ramen ở Hakodate có đặc trưng là vị rất dịu nhẹ, ít dầu, nước dùng trong vắt đến mức có thể nhìn thấy đến tận đáy bát nếu gạt mì sang 1 bên.

Hakodate rất gần biển, nhưng gần như không có cửa hàng ramen sử dụng hải sản, mà chủ yếu là nước dùng được ninh mềm từ xương heo, gà trong lửa nhỏ.

4. Tsugaru ramen, tỉnh Aomori

Ramen địa phương ở tỉnh Aomori, tỉnh ở mũi phía Bắc của Honshu là Tsugaru ramen. Đặc trưng của Tsugaru ramen là việc sử dụng niboshi (*1) trong nước dùng, tại nhiều cửa hàng soba Nhật không hiếm gặp cả món ramen, người Aomori rất thích niboshi ramen.

Mặc dù chỉ gói gọn trong 1 cụm niboshi ramen nhưng cũng có rất nhiều loại khác nhau từ các loại ramen có vị dịu nhẹ, rất dễ ăn đến loại ramen đậm đà, khơi gợi mạnh mẽ đặc trưng hương vị của niboshi.

Tại Aomori có các loại niboshi ramen rất phong phú, vì vậy các bạn hãy đến Aomori và thử ăn để so sánh các loại ramen nhé.

※1: niboshi……món cá nhỏ được luộc trong muối rồi sấy khô

5. Kitakata ramen, tỉnh Fukushima

Thành phố Kitakata, tỉnh Fukushima đứng đầu cả nước về số lượng cửa hàng ramen trên đầu người.

Có nhiều cửa hàng ramen mở cửa từ sáng, có nhiều người ăn ramen cho bữa sáng rồi đi làm. Ramen gắn bó mật thiết với cuộc sống đến mức ngoài các cửa hàng chuyên về ramen thì còn có nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ cả ramen.

Kitakata là khu vực được ưu đãi bởi nước có chất lượng tốt, ramen ở đây có đặc trưng là sợi mì to nhiều nước sử dụng nguồn nước đó. Ramen chủ yếu ở đây là shoyu ramen, nhưng cũng có cửa hàng phục vụ cả shio ramen và miso ramen.

Lượng mì và chashu khá nhiều, bát mì khá to cũng là 1 trong những đặc trưng của Kitakata ramen.

6. Shirakawa ramen, tỉnh Fukushima

Ngoài Kitakata ramen, 1 loại ramen địa phương cũng nổi tiếng ở tỉnh Fukushima là Shirakawa ramen. Cửa hàng “Tora shokudo” rất được yêu thích là nơi ra đời của Shirakawa ramen, những người thợ học việc tại đây sau khi độc lập đã mở cửa hàng làm cho Shirakawa ramen được mở rộng thêm.

Đặc trưng lớn nhất của Shirakawa ramen là sợi mì xoăn có bề ngang rộng. Tại cửa hàng ramen điển hình là “Tora shokudo”, người ta làm mì bằng tay, nước dùng có vị shoyu trong suốt. Ramen đậm đà hơn Kitakata ramen. Tuy nhiên gần đây số lượng cửa hàng mì làm bằng tay đang có xu hướng giảm dần.

7. Tokyo ramen, Tokyo

Ở Tokyo cũng có nhiều loại ramen phong phú đến mức không thể đếm xuể, trong số đó có Tokyo ramen với lịch sử lâu đời từ xa xưa.

Tokyo ramen là loại shoyu ramen chính thống, trong số các loại shoyu ramen ở các địa phương của Nhật, có thể nói rằng đây là loại điển hình nhất.

Tokyo ramen có sự pha trộn giữa nước dùng kiểu Nhật từ niboshi với nước dùng được lọc từ nước ninh xương heo, gà. Sau đó người ta sẽ trộn cùng shoyudare, cho sợi mì xoăn vào cùng nước dùng. Phần topping có gần như các loại topping điển hình thường thấy như negi, chashu, menma, nori.

8. Yokohama Iekei ramen, tỉnh Kanagawa

Cửa hàng ramen có tên “Yoshimuraya” ở thành phố Yokohama là nơi ra đời của Yokohama Iekei ramen.

Những năm gần đây, các cửa hàng không chỉ dừng lại ở Yokohama mà còn mở rộng ra toàn quốc, việc bắt đầu từ 1 cửa hàng ramen rồi mở rộng ra như thế này cũng có thể nói là 1 ví dụ rất hiếm thấy.

Nước dùng shoyu từ xương heo đậm đà cùng với sợi mì to bản, topping cơ bản của Yokohama Iekei ramen là rau chân vịt, 3 miếng nori, thịt chashu. 1 trong những đặc trưng của Yokohama Iekei ramen là việc có thể điều chỉnh độ cứng của mì, độ đậm của vị và lượng mỡ béo. Các bạn có thể ăn cùng cơm rất ngon, vì vậy hãy thử gọi xem nhé.

9. Kyoto ramen, Kyoto

Kyoto không gợi cho chúng ta nhiều lắm về ramen nhưng thật sự đây cũng là nơi có văn hóa ramen.

Tuy nhiên không hiểu vì sao ở đây có nhiều loại ramen vị shoyu đậm đà hoặc ramen vị cực đậm, khác hẳn các món ăn thuần Nhật rất dịu nhẹ mà chúng ta thường hình dung về văn hóa ẩm thực của Kyoto.

Ramen trong ảnh là của cửa hàng lâu đời tiêu biểu của Kyoto có tên “Shinpukusaikan”. Cửa hàng này được xem là cửa hàng đặt nền móng đầu tiên cho món ramen của Kyoto và được kế thừa liên tục cho đến ngày nay.

Sau đó là sự ra đời của ramen với phần mỡ béo trong nước dùng vị shoyu được ninh từ xương gà, hay ramen với nước dùng cực đậm đà. Một số cửa hàng được yêu thích đến mức được triển khai thành chuỗi trên toàn quốc, đi đầu trong văn hóa ramen của Kyoto.

10. Wakayama ramen, tỉnh Wakayama

Tỉnh Wakayama nằm ở phía Nam phủ Osaka cũng có ramen đặc trưng của địa phương. Có thể phân chia thành 2 loại chính đó là shoyu ramen vị dịu, nhẹ nhàng và shoyu ramen đậm đà ninh từ xương heo, trong ảnh là ramen vị đậm. Vị đậm đà và không có cảm giác ngấy mỡ, ngược lại lại rất dễ ăn.
Wakayama ramen có đặc trưng riêng đó là thường sẽ kèm saba sushi trên bàn và được gọi là “Hayazushi“.

Ở Wakayama, người ta thường ăn sushi trong khi chờ đợi ramen, và cũng rất hợp với ramen. Wakayama ramen có lượng ít hơn các loại ramen khác nên thường ăn thêm sushi là vì vậy.

11. Onomichi ramen, tỉnh Hiroshima

Ramen địa phương nổi tiếng ở thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima là Onomichi ramen. Nhưng dù chỉ gói gọn trong 1 cụm từ Onomichi ramen đi nữa thì cũng rất khó để định nghĩa được một cách chính xác. Phổ biến là ramen có mỡ béo, sợi mảnh vừa phải cùng với nước dùng vị shoyu.

Tại cửa hàng ramen nổi tiếng nhất ở Onomichi “Shukaen”, người ta không sử dụng các loại hải sản nhưng các bạn có thể thấy cứ nhắc đến Onomichi ramen nói chung là nhắc đến ramen sử dụng hải sản. Chính điểm này làm cho việc định nghĩa Onomichi ramen khó hơn.

Mỡ béo có đặc tính riêng ở các cửa hàng, có nhiều loại khác nhau từ các loại rán chiên, đến các món tạo ra hương vị nào đó.

12. Hiroshima ramen, tỉnh Hiroshima

Mức độ nổi tiếng không bằng Onomichi ramen nhưng 1 món ramen không thể quên ở tỉnh Hiroshima là Hiroshima ramen. Hiroshima ramen có đặc trưng là nước dùng màu trắng đục được tạo nên từ xương heo, khác hoàn toàn với nước dùng vị shoyu của Onomichi ramen.

Tuy nhiên, nước dùng của Hiroshima ramen lại rất nhẹ nhàng không giống như chúng ta tưởng tượng, vị rất dễ ăn. Đó là do ngoài xương heo, người ta còn dùng thêm cả thịt gà, các loại rau…

Sợi mì thường mảnh, cứng, khá giống với Hakata ramen.

13. Tokushima ramen, tỉnh Tokushima

Tokushima ramen được chia thành 3 loại theo màu sắc của nước dùng, trong số đó đặc biệt nổi tiếng hơn cả có lẽ là ramen có nước dùng màu nâu.

Nước dùng đậm đà được ninh từ xương heo, có vị shoyu, sợi mì mảnh vừa phải và khá mềm. Ramen có vị ngọt, hơi cay.

Đặc trưng của Tokushima ramen là thường sử dụng thịt heo ba chỉ thay cho thịt xá xíu, rất hợp khi ăn cùng cơm. Ngoài ra, Tokushima ramen với nước dùng màu nâu cũng thường cho thêm cảtrứng sống vào ramen. Nước dùng và trứng sống rất hợp nhau, tạo nên vị ngon hiếm thấy.

14. Hakata ramen, tỉnh Fukuoka

Nhắc đến Tonkotsu ramen nhiều người sẽ nghĩ đến Hakata ramen. Trong số các món ramen đặc trưng ở mỗi địa phương của Nhật thì đây là 1 trong những loại ramen đặc biệt nổi tiếng.

Đặc trưng là nước dùng có màu trắng đục được ninh từ xương heo trong nhiều giờ, kết hợp cùng với sợi mì cực mảnh. Vị khác nhau tùy vào việc sử dụng phần nào của xương heo và thời gian ninh, điều đó tạo nên điểm khác nhau của mỗi cửa hàng.

Hakata ramen có sợi mì cực mảnh nên dễ bị nở ra, vì vậy lượng mì ít và thường áp dụng “kaedama“, gọi thêm mì dần dần khi ăn.

Topping là các món thường ít được thấy ở các món ramen của các địa phương khác ví dụ như mộc nhĩ, vừng trắng, gừng muối màu hồng,…(các cửa hàng thường để sẵn trên bàn và phục vụ miễn phí).

15. Kurume ramen, tỉnh Fukuoka

Ramen được cho là ảnh hưởng đến các loại ramen ở các nơi khác thuộc Kyushu như Hakata ramen cũng ở tỉnh Fukuoka đó là Kurume ramen. Cửa hàng ramen có tên “Nankinsenryo” trong nội thành Kurume là cửa hàng ramen đầu tiên ở Kyushu, hiện nay cũng rất được yêu thích.

Vị đậm đà của nước dùng khác nhau nhưng đậm hơn Hakata ramen, nhiều cửa hàng ramen có mùi khá mạnh và đặc trưng. Nước dùng đậm đà cùng với sợi mì khá to, nhiều cửa hàng không áp dụng kaedama cũng là 1 trong những đặc trưng của Kurume ramen.

Các cửa hàng cho người theo đạo Hồi và người ăn chay

Cùng với việc ramen được yêu thích trên khắp thế giới là những người không thể ăn ramen do sự khác nhau về tôn giáo, tập quán mong muốn có ramen dành cho những người theo đạo Hồi hay người ăn chay. Mặc dù số lượng vẫn còn ít nhưng ở Nhật cũng đã có những cửa hàng ramen như vậy.

Phần kết

Trên đây tôi đã giới thiệu khái quát về ramen của Nhật. Nếu ăn ramen ở Nhật, các bạn hãy thử tham khảo bài viết nhé.

Bài viết này được biên tập lại từ bài viết đã đăng tải ngày 13/11/2016 cho bản năm 2018.

Nguồn: https://matcha-jp.com/vn/2945

 

error: Content is protected !!