Mắt là một cơ quan phức tạp. Các tế bào mắt một khi đã bị tổn thương sẽ không phát triển trở lại hoặc chữa lành được. Do phải nhìn vào các loại ánh sáng có khả năng gây hại, mắt luôn phải đối mặt với hiện tượng stress oxy hóa (mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa, gây hại cho mô mỡ, DNA và protein). Để bảo vệ mắt, các chuyên gia khuyên nên bổ sung vitamin và dưỡng chất dồi dào chống oxy hóa tự nhiên vào chế độ ăn uống.
Vitamin A
Vitamin A đóng vai trò tạo ra một số sắc tố nhất định cho võng mạc, cần thiết để mắt nhìn được vào ban đêm. Không cung cấp đủ vitamin A cho cơ thể cũng như cho mắt từ chế độ dinh dưỡng mỗi ngày về lâu dài có thể dẫn đến quáng gà.
Carotenoid, chất giúp trái cây, rau củ có màu vàng, cam, đỏ, được cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Vì vậy, một chế độ ăn đầy đủ vitamin A, tốt cho mắt nên bao gồm các loại trái cây, rau củ như cà rốt, cà chua, ớt chuông…
Vitamin C và E
Theo các nghiên cứu nhãn khoa, vitamin C góp phần giảm nguy cơ tiến triển bệnh đục thủy tinh thể. Ngoài ra, khi dùng kết hợp cũng một số dưỡng chất khác, vitamin này có thể làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng và giảm thị lực do tuổi tác. Một số thực phẩm giàu vitamin C nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày bao gồm: cam, bưởi, dâu tây, ớt xanh, đu đủ…
Các gốc tự do thường gây tổn thương các mô trong cơ thể và làm hỏng protein trong mắt. Vitamin E với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ sẽ giúp cơ thể và mắt chống lại những ảnh hưởng của các gốc tự do, hạn chế nguy cơ mắc đục thủy tinh thể. Lạc, dầu mầm đậu nành, măng tây, hạt hướng dương, quả bơ… là những thực phẩm dồi dào vitamin E để bổ sung vào chế độ ăn.
Riboflavin (Vitamin B12)
Riboflavin rất cần thiết để sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể và tích tụ trong mắt. Bổ sung riboflavin có thể giúp bảo vệ mắt chống lại tiến triển đục thủy tinh thể và kiểm soát các bất thường về giác mạc
Vitamin nhóm B
Các vitamin nhóm B góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc các vấn đề về mạch máu, ảnh hưởng đến võng mạc, cũng như thoái hóa điểm vàng và viêm màng bồ đào.
Một nghiên cứu năm 2018 tại Hàn Quốc cho thấy vitamin B3 giúp chống lại bệnh tăng nhãn áp. Hay một báo cáo khoa học của Mỹ cũng chỉ ra rằng vitamin B1 có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh khô mắt.
Axit béo Omega-3
Đây là loại axit béo rất cần thiết để duy trì cấu trúc và chức năng của các tế bào cảm quang trong võng mạc. Đồng thời Omega – 3 giúp giảm viêm, hỗ trợ sản xuất nước mắt, kiểm soát khô mắt. Các loại thực phẩm giàu Omega – 3 có thể kể đến như hạt chia, cá hồi, cá ngừ, hạt óc chó…
Lutein và Zeaxanthin
Lutein và zeaxanthin là những chất chống oxy hóa được tìm thấy trong võng mạc, đóng vai trò bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng xanh và tia cực tím. Những hợp chất tự nhiên này hoạt động giống như kính râm, bảo vệ mắt khỏi ánh sáng gây hại.
Lutein và zeaxanthin thường xuất hiện cùng nhau trong thực phẩm như rau cải xoăn, cải bó xôi, mùi tây hay đậu xanh.
Kẽm
Kẽm là khoáng chất đóng vai trò duy trì sức khỏe võng mạc, màng tế bào cũng như cấu trúc protein của mắt. Ngoài tham gia vào quá trình đưa vitamin A từ gan đến võng mạc để tạo ra melanin, bảo vệ mắt khỏi các tia UV.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội nhãn khoa Mỹ, sử dụng 40-80 mg kẽm mỗi ngày cùng các chất chống oxy hóa có thể làm chậm tiến triển của tình trạng thoái hóa điểm vàng giai đoạn cuối lên đến 25%, và giảm 19% tình trạng suy giảm thị lực.
Thảo Miên (Theo Forbes, Healthline) – Vnexpress