Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến vùng kín thế nào?

Khi bước vào giai đoạn mãn kinh buồng trứng sẽ ngừng hoạt động và dẫn đến lượng estrogen trong cơ thể sụt giảm nhanh chóng. Hiện tượng này không chỉ làm xáo trộn về tâm sinh lý như bốc hỏa, chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, mệt mỏi,… mà còn khiến vùng kín bị thay đổi rất nhiều. Sau đây là những dấu hiệu thay đổi ở khu vực âm đạo sẽ xuất hiện trong độ tuổi mãn kinh.

Ngứa âm đạo

Tình trạng ngứa vùng kín thường xảy ra trước, trong và sau khi mãn kinh. Bởi nồng độ estrogen suy giảm đã làm ảnh hưởng đến lượng dịch âm đạo, dẫn đến khô và ngứa. Ngoài ra, tuổi tác cũng là nguyên nhân khiến cơ thể ít tái tạo collagen hơn sau thời kỳ mãn kinh. Điều này có thể dẫn đến làn da của vùng kín trở nên mỏng và dễ gây ngứa vùng da mu.

Nhiễm trùng đường tiểu

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), nồng độ estrogen thấp trong thời gian mãn kinh không chỉ làm niêm mạc âm đạo trở nên mỏng hơn mà còn gây ảnh hưởng đến niêm mạc của đường tiết niệu. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng âm đạo và đường tiết niệu; từ đó khiến các chị em xuất hiện triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn.

Giai đoạn mãn kinh tác động rất lớn đến khu vực âm đạo. Ảnh: Freepik

Đau sau khi quan hệ

Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ sẽ cảm nhận được vùng da ở âm đạo đang dần mỏng đi. Đặc biệt, những nếp gấp ở thành âm đạo có nhiệm vụ mở rộng khi quan hệ và sinh nở lại có dấu hiệu co thắt, không mở rộng như trước. Vì vậy, âm đạo của phụ nữ mãn kinh thường dễ bị đau đớn hoặc thậm chí là chảy máu sau khi quan hệ.

Teo âm đạo

Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Mỹ, có tới 40% phụ nữ sau mãn kinh gặp phải triệu chứng viêm teo âm đạo. Nguyên nhân là do hàm lượng estrogen trong cơ thể đã bị mất đi. Tình trạng này khiến các mô và niêm mạc của âm đạo trở nên mỏng, khô và kém đàn hồi. Dấu hiệu nhận biết chứng teo âm đạo gồm: quan hệ tình dục bị đau dù đã dùng biện pháp bôi trơn, chảy máu âm đạo bất thường, tiết dịch hoặc có cảm giác nóng rát, đau nhức.

Thay đổi độ pH

Độ pH bình thường của âm đạo nằm ở mốc từ 3,8-4,5. Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, độ pH trong cơ thể phụ nữ sẽ tăng lên ở mức 5,3. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự sụt giảm nồng độ estrogen. Theo các chuyên gia y tế, độ pH thay đổi là nguyên nhân làm xáo trộn hệ vi sinh vật ở; từ đó dẫn đến nguy cơ gây nhiễm trùng âm đạo.

Sa sinh dục

Sa sinh dục thường xảy ra trong thời kỳ mãn kinh do lượng hormone estrogen sụt giảm. Tình trạng này khiến các dây chằng trong ổ bụng dần mất tính đàn hồi và khó nâng đỡ tử cung. Các dấu hiệu để nhận biết chứng sa sinh dục là cảm giác nặng nề ở bụng dưới, tiểu buốt, khó khăn khi đi đại tiện hoặc âm đạo trở nên chật chội khi quan hệ tình dục.

Các sản phẩm hữu ích:

Huyền My (Theo Healthline, Prevention, Verywell Health) – Vnexpress

error: Content is protected !!