Mệt mỏi, thờ ơ
Mệt mỏi là biểu hiện thường gặp khi bị thiếu sắt, thiếu máu, hồng cầu thấp. Mệt mỏi có thể đi kèm với tình trạng xanh xao bất thường.
Ngoài ra, các tình trạng khác có thể gây mệt mỏi quá mức, bao gồm bệnh tim, trầm cảm hoặc bệnh tuyến giáp. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu thấy có các triệu chứng nói trên và uống thuốc điều trị.
Tâm trạng thay đổi không rõ nguyên nhân, cảm thấy thờ ơ hoặc cáu kỉnh, có thể là triệu chứng của bệnh trầm cảm, đồng thời cho thấy cơ thể không nhận được năng lượng cần thiết. Nếu bạn có tâm trạng buồn bực hoặc hay quên kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ.
Tóc giòn và khô
Tóc được tạo thành chủ yếu từ protein, là dấu hiệu chẩn đoán hữu ích về thiếu dinh dưỡng. Khi tóc trông giòn, khô và thưa thớt, đó thường là dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống không đủ chất. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu axit béo thiết yếu, protein, sắt và các chất dinh dưỡng khác.
Nhiều người bị rụng tóc do tuổi tác hoặc stress, song tóc rụng với tốc độ bất thường thì cũng có thể là thiếu hụt dinh dưỡng. Sau khi bác sĩ xác định được cơ thể thiếu chất nào, bạn có thể điều trị bằng thực phẩm bổ sung.
Móng tay và miệng
Tương tự tóc, móng tay đóng vai trò là dấu hiệu cảnh báo sớm về chế độ ăn uống không đủ chất. Móng tay hình thìa, trong đó móng cong lên từ giường móng giống như cái thìa có thể cho thấy cơ thể thiếu máu thiếu sắt. Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc sắt và tăng thực phẩm giàu chất sắt như gan, trai, sò, hến.
Nứt hoặc viêm ở khóe miệng, lưỡi nhợt hoặc sưng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu riboflavin (B2) hoặc thiếu sắt. Ngoài ra, hội chứng bỏng miệng có thể phát sinh khi lượng sắt, kẽm hoặc vitamin B giảm xuống dưới mức cần thiết.
Tiêu chảy, chán ăn
Tiêu chảy mạn tính có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể không hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng. Sự kém hấp thu có thể do tình trạng nhiễm trùng, phẫu thuật, một số loại thuốc, sử dụng rượu nặng và rối loạn tiêu hóa. Bạn nên đi khám và điều trị ngay nếu bị tiêu chảy kéo dài nhiều ngày.
Cảm giác thèm ăn giảm đi theo tuổi tác do sự lão hóa của các nụ vị giác hoặc tác dụng phụ của thuốc. Nếu ít vận động, bạn sẽ cần ít calo hơn. Tuy nhiên, chán ăn kinh niên cảnh báo nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, biểu hiện bằng việc bỏ bữa do không đói.
Bạn nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ nếu cảm giác thèm ăn thay đổi hoặc bạn bắt đầu bỏ bữa. Bằng cách đó, bạn có thể giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng trước khi gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Cách khắc phục
Bạn nên ghi nhật ký chế độ ăn uống hàng ngày, ngay cả khi không giảm cân, để theo dõi và điều chỉnh dinh dưỡng. Nếu bạn cảm thấy khó khi phải mang theo sổ và bút để ghi chép, có thể tìm kiếm ứng dụng điện thoại để thay thế.
Vào cuối ngày, bạn nên xem lại nhật ký này một lần, cân nhắc tăng số lượng thực phẩm lành mạnh nếu cần. Đồng thời, nhật ký cũng cần thể hiện cảm giác của bạn về bữa ăn, để tìm ra thực phẩm nào có ảnh hưởng tốt tới cơ thể. Một số thực phẩm có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng và uể oải, một số khác giúp bạn có nhiều năng lượng hơn và tập trung hơn.
Đối với các bữa ăn vặt, hãy tự đặt câu hỏi liệu món ăn này có lành mạnh; ăn nhẹ khi đang xem tivi có thực sự cần thiết; ăn gì khi bị căng thẳng và cách khắc phục căng thẳng.
Chi Lê (Theo WebMD) – Vnexpress