TOP 5 chế độ ăn kiêng tốt cho bệnh tiểu đường trong năm 2023 do tạp chí Mỹ xếp hạng

Tạp chí US News & World Report (Mỹ) vừa công bố danh sách các chế độ ăn kiêng tốt nhất trong năm 2023, trong đó có 5 chế độ ăn dành cho người bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn Địa Trung Hải ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, các loại đậu và hạt, dầu ô liu, thịt nạc, cá. Chế độ ăn này giúp tăng lượng chất xơ và giảm protein động vật, thay bằng protein thực vật. Đây là chế độ ăn đứng đầu danh sách ăn kiêng tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh tiểu đường nói riêng.

Theo nghiên cứu của Đại học Bergen (Na Uy), ăn kiểu Địa Trung Hải giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn phần lớn dựa trên thực vật này có thể cải thiện bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, béo phì. Nghiên cứu của Đại học Uppsala (Thụy Điển) cũng chỉ ra người tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải chặt chẽ có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 28% so với người không theo chế độ ăn này. Ăn kiểu Địa Trung Hải còn giúp giảm viêm, cải thiện chức năng của hormone insulin và giảm chỉ số khối cơ thể (BMI), có lợi cho người bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn DASH

DASH (Dietary approach to prevent hypertension) là viết tắt của chế độ ăn uống giúp ngăn chặn tình trạng tăng huyết áp. Chế độ ăn này được US News & World Report xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách chế độ ăn tốt cho sức khỏe năm 2023. DASH còn được gọi là ăn bán chay kết hợp rau, trái cây, các loại hạt, sữa ít béo cùng với ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc.

Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa New York (Mỹ), chế độ ăn này dựa trên thực vật làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và bệnh tim. Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng cho thấy, người tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn DASH có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn tới 25% so với người không theo chế độ ăn này.

Ăn kiêng DASH tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc… giảm nguy cơ mắc tiểu dường type 2. Ảnh: Freepik

Chế độ ăn flexitarian

Flexitarian là sự kết hợp của flexible (linh hoạt)và vegetarian (thực vật). Chế độ giúp ăn chay linh loạt với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, chỉ cần hạn chế thực phẩm từ động vật. Theo Đại học Walden (Mỹ), flexitarian giúp giảm cân, cải thiện huyết áp và giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Sự linh hoạt trong ăn uống có thể duy trì trong thời gian dài.

Chế độ ăn Ornish

Ornish là chế độ ăn chay ít chất béo, đường tinh luyện và protein động vật. Các thực phẩm ưu tiên là trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sản phẩm từ đậu nành, sữa không béo và lòng trắng trứng. Hạn chế thực phẩm từ sữa không béo (không quá 2 khẩu phần mỗi ngày), carb tinh chế (bột mì trắng, đường, chất làm ngọt và gạo trắng).

Theo chế độ ăn này, bạn nên đặt mục tiêu 4 g chất béo lành mạnh (cá béo, đậu nành, hạt, dầu ô liu…) mỗi ngày. Tổng cộng không quá 10% lượng calo đến từ tất cả các loại chất béo. Hạn chế cholesterol không quá 10 mg mỗi ngày. Nếu tiêu thụ caffeine (trà, cà phê), bạn nên giới hạn một tách cà phê, hai tách trà mỗi ngày.

Chế độ ăn MIND

MIND là từ viết tắt của chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean) và DASH. Chế độ ăn MIND tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ưu tiên quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi, nho…); rau xanh lá, rau họ cải và hạn chế các sản phẩm động vật, giàu chất béo bão hòa.

Các loại chất béo lành mạnh nên sử dụng như đậu, hạt, cá béo; thịt gia cầm, dầu ô liu và uống không quá một ly rượu mỗi ngày. Theo nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ), chế độ ăn với nhiều rau lá xanh giúp giảm viêm nhiễm và căng thẳng oxy hóa, hai yếu tố liên quan đến một số bệnh như tiểu đường, Alzheimer và ung thư.

Mời bạn tham khảo sản phẩm hữu ích:

Mai Cat
(Theo Everyday Health) – Vnexpress

error: Content is protected !!