Thời gian gần đây nhiệt độ tăng cao, khiến nhiều người cảm thấy ôi bức, khó chịu. Những người mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có thể cảm thấy nóng bức hơn bình thường. Điều này là do người bệnh tiểu đường có thể bị tổn thương mạch máu và thần kinh, ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi, khiến cơ thể khó làm mát hiệu quả. Nếu hệ thống làm mát của cơ thể phải hoạt động liên tục hay người bệnh bị say nắng có thể sẽ nghiêm trọng và cần cấp cứu.
Những người bệnh tiểu đường có xu hướng mất nước nhanh hơn khi nhiệt độ tăng cao. Trong khi thiếu chất lỏng có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể bài tiết nhiều nước tiểu hơn, gây mất nước nhiều hơn. Bên cạnh đó, triệu chứng của căn bệnh này thường là khát nước, đi tiểu thường xuyên, kèm theo tác động của thời tiết sẽ làm tăng thêm các tình trạng này. Ngoài ra, dùng thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc khác để điều trị cao huyết áp, tiểu đường cũng có thể khiến cơ thể thiếu nước.
Nhiệt độ tăng cao còn có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý insulin. Nếu người bệnh đang sử dụng insulin khi nắng nóng có thể cần phải theo dõi thêm lượng đường trong máu thường xuyên và thay đổi liều lượng insulin. Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối với việc dùng thuốc sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu ổn định hơn.
Ngay cả khi nhiệt độ giảm xuống, tác động của nhiệt độ kèm với độ ẩm có thể gây ra các vấn đề khác nhau. Thời tiết nóng bức hay trong lúc các cơ bắp sinh nhiệt quá nhiều do vận động cường độ cao làm cho cơ thể tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường. Khi mồ hôi trên da bốc hơi, nó có tác dụng làm mát cho cơ thể. Nhưng nếu độ ẩm cao, hơi ẩm trên da không kịp khô sẽ làm gián đoạn chu trình làm mát.
Tập thể dục rất quan trọng để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tập thể dục vào thời điểm nắng nóng, khi nhiệt độ tăng cao sẽ không tốt cho sức khỏe. Nếu trước đây, bạn thường tập thể dục vào buổi sáng hoặc buổi tối, nhưng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ban đêm không còn giảm nhanh như trước. Do đó, người bệnh tiểu đường có thể cân nhắc tập thể dục vào sáng sớm, thay vì buổi tối.
Để kiểm soát bệnh tiểu đường vào những ngày hè, người bệnh nên uống nhiều nước khoảng 2-2,5 lít nước, ngay cả khi không cảm thấy khát. Tránh uống rượu và đồ uống chứa caffein vì có thể làm mất nước và tăng nhanh lượng đường trong máu. Kiểm tra lượng đường trong máu trước, trong và sau khi tập thể dục giúp tránh tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột. Nếu sử dụng insulin, người bệnh có thể cần phải thay đổi lượng insulin và nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng khí là cách để cơ thể được giải nhiệt tốt hơn. Đội mũ rộng vành và thoa kem chống nắng khi ra ngoài trời giúp phòng cháy nắng. Người bệnh nên hạn chế đi chân trần, ngay cả khi ở hồ bơi hoặc bãi biển. Chăm sóc đôi chân là việc cần thiết vì người mắc bệnh này thường bị loét bàn chân, nhiễm trùng lâu lành. Biến chứng bàn chứng cũng là tình trạng thường gặp ở nhóm người mắc bệnh mạn tính này.
Người bệnh nên ở trong phòng máy lạnh vào những ngày nắng nóng vì khi nhiệt độ ngoài trời cao, quạt sẽ không đủ làm mát. Nếu nhà bị mất điện trong những ngày nắng, nên đến những nơi mát mẻ hơn. Thuốc, các vật tư và thiết bị cần đặt tránh xa nguồn nhiệt. Chuẩn bị các vật dụng chăm sóc sức khỏe tiểu đường, đồ ăn nhẹ và các nhu cầu khẩn cấp khác khi sốc nhiệt, tăng hoặc hạ đường huyết cũng là những việc cần lưu ý.
Mời bạn tham khảo sản phẩm hữu ích:
Kim Uyên
(Theo Webmd) – Vnexpress