Các thói quen ăn uống không lành mạnh làm tăng khả năng mắc suy tim, đau thắt ngực, bệnh động mạch vành và nhiều bệnh tim khác. Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ tim, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Chế độ ăn giàu trái cây, rau củ
Một bữa ăn tốt cho tim bao gồm các loại rau màu sắc, nhiều trái cây. Bữa sáng nên có trái cây tươi, một ly nước cam quýt, sữa và sữa chua ít béo hoặc không béo, ngũ cốc và trứng tráng làm từ lòng trắng trứng.
Rau và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất tốt. Chúng cũng ít calo, giàu chất xơ. Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp cơ thể cắt giảm loại thực phẩm có hàm lượng calo cao hơn, chẳng hạn như thịt, pho mát và đồ ăn vặt.
Một số chế độ ăn giàu khoáng chất có thể duy trì mức huyết áp khỏe mạnh. Ví dụ, một chế độ ăn giàu kali có thể giúp duy trì huyết áp ổn định. Các khoáng chất khác có thể giúp giảm huyết áp cao và cải thiện sức khỏe bao gồm canxi và magiê. Canxi có nhiều trong sữa ít béo hoặc không béo, các sản phẩm từ sữa. Magie có nhiều trong thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh đậm, cá và đậu khô.
Chọn ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào và chất dinh dưỡng có vai trò điều hòa huyết áp và sức khỏe tim mạch. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn bằng cách thay thế các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Ưu tiên các loại đậu, cá, hải sản
Nhóm thực phẩm này có hàm lượng protein cao mà cơ thể cần để tăng trưởng, sửa chữa. Ăn các loại đậu, cá (đặc biệt là cá có dầu) và hải sản cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách giảm stress oxy hóa trong tế bào cơ tim. Cá là một loại thực phẩm thay thế thịt tốt, dầu cá chứa nhiều chất béo omega-3 có lợi cho tim.
Các loại đậu đậu Hà Lan và đậu lăng, cũng là nguồn cung cấp protein tốt, chứa ít chất béo và không có cholesterol, thực phẩm thay thế tốt cho thịt.
Cắt giảm muối và dầu
Phần lớn muối và dầu đến từ thực phẩm chế biến và ăn liền. Cắt giảm muối, các dạng dầu gây ra natri và cholesterol khác có thể ngăn ngừa hiệu quả các bệnh liên quan đến tim. Mỗi người cố gắng giữ lượng natri hàng ngày từ tất cả các loại thực phẩm không quá 2.300 mg (khoảng một thìa cà phê muối). Gia đình chọn dầu và chất béo có tỷ lệ chất béo không bão hòa cao hơn chất béo bão hòa, chẳng hạn như dầu ô liu và dầu hạt cải.
Hạn chế lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là một bước quan trọng để giảm lượng cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Mức cholesterol trong máu cao dẫn đến sự tích tụ các mảng bám trong động mạch (được gọi là xơ vữa động mạch), có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Hạn chế đường
Bạn nên hạn chế lượng calo nạp vào mỗi ngày từ đường bổ sung. Điều này sẽ giúp mỗi người chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
Lê Nguyễn (Theo Timesofindia) – Vnexpress