Dù hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi nhưng bệnh cũng xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Những người có thói quen hút thuốc lá thường được khuyến nghị bỏ thuốc để giảm khả năng phát triển ung thư phổi. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể gây ung thư phổi ngay cả với những người chưa bao giờ hút thuốc lá. Nhóm nguyên nhân này chiếm 10-20% trường hợp ung thư phổi.
Dưới đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này.
Phơi nhiễm radon
Hóa chất này là một loại khí được sinh ra bởi quá trình phân hủy uranium, hít phải khí này lâu ngày có thể dẫn đến ung thư phổi. Việc tiếp xúc với radon có thể xảy ra tại nhà ở, trường học và nơi làm việc nhưng điều quan trọng là mọi người không hề biết vì loại khí này không có mùi.
Các thiết bị kiểm tra nồng độ hoặc lắp đặt hệ thống giảm thiểu radon trong nhà hoặc nơi làm việc có thể giúp giảm thiểu yếu tố rủi ro này.
Các tác nhân gây ung thư phổi
Hít thở hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như benzen và amiăng có thể gây ung thư phổi. Khi tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân này, chúng sẽ tích tụ bên trong phổi, khiến các tế bào biến đổi và hình thành tế bào ung thư. Vì vậy hãy thận trọng để tránh tiếp xúc với những chất có hại này.
Ô nhiễm không khí
Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí cao có thể gây tổn thương DNA dẫn đến sự phát triển của khối u, cũng là một nguy cơ gây bệnh ung thư phổi. Càng ở trong môi trường có mức độ ô nhiễm không khí cao càng lâu càng có nguy cơ mắc bệnh cao, vì vậy hãy tránh những nơi ô nhiễm không khí.
Mặc dù việc ở xa các khu đô thị lớn có thể giúp bạn tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí nhưng vẫn có thể tiếp xúc với nhiều chất độc khác nhau. Hãy kiểm soát các thói quen, lối sống của bản thân và theo dõi liệu xem các triệu chứng ở bản thân có khả năng liên quan đến ung thư phổi hay không.
Hút thuốc lá thụ động
Bạn có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khi sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Các chất hóa học từ thuốc lá để lại trên quần áo, ga trải giường, vải bọc và các khu vực khác trong nhà dần dần đi vào phổi của người không hút thuốc, điều này có thể dẫn đến ung thư phổi.
Nếu trong nhà có người hút thuốc, hãy đề nghị họ hút ít hơn trong nhà hoặc bỏ thuốc lá hoàn toàn để giảm thiểu tiếp xúc với khói thuốc.
Đột biến gen
Ung thư phổi thường phát triển do đột biến ở các gen TP53, EGFR và KRAS. Các đột biến này chỉ hiện diện ở một số tế bào nhất định trong phổi. Đột biến cũng có thể liên quan đến việc hút thuốc nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định.
Mọi người đều có thể giúp bản thân và gia đình giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi cùng các loại ung thư khác bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, cân nặng hợp lý và tránh tiếp xúc với thuốc lá hoặc các hóa chất gây ung thư khác.
Nếu trong gia đình đã có người thân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi thì các thành viên khác cũng nên đi khám sàng lọc, các bác sĩ sẽ giúp xác định xem có yếu tố rủi ro di truyền nào trong gia đình bạn hay không.
Mời bạn xem thêm các sản phẩm dưới đây:
Bảo Bảo (Theo Oregon Cancer) – Vnexpress