Ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời lên mắt
Các nghiên cứu về nhãn khoa cảnh báo rằng việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, bao gồm bệnh đục thủy tinh thể, u mắt và ung thư. Việc tiếp xúc quá nhiều tia cực tím phản xạ trên bề mặt tuyết cũng có thể nhanh chóng gây tổn thương ở mắt, hay còn được gọi là chứng mù tuyết.
Có thể bạn chưa biết: Tại sao phải dùng kem chống nắng hàng ngày?
Ví dụ như bệnh mộng thịt có thể xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là ở những người chơi lướt ván, trượt tuyết, câu cá, nông dân, hoặc bất kỳ ai làm việc nhiều giờ dưới ánh sáng mặt trời vào ban ngày hoặc gần sông, biển hoặc rừng núi, nơi thường có nhiều tia UV.
Những bệnh như đục thủy tinh thể hoặc ung thư mắt có thể mất nhiều năm mới hình thành nhưng mỗi lần chúng ta ra ngoài mà không bảo vệ mắt, tức là đang làm tăng nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm này. Chính vì thế, mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng nên đề phòng khi đi ra ngoài.
Mắt có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức hoặc về lâu dài sau khi hấp thụ tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời. Nhiều bộ phận của mắt chịu ảnh hưởng của tia cực tím như mi mắt, kết mạc (phần lòng trắng của mắt), giác mạc (phần lòng đen phía trước), thủy tinh thể (nhân mắt) và võng mạc (bộ phận ở mắt trong có tác dụng giống như phim ảnh để tiếp nhận hình ảnh mà ta nhìn thấy).
Ở mi mắt, ánh nắng có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính.
Đối với kết mạc, giác mạc, sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt và tình trạng này thường sẽ đỡ đi sau 48 giờ. Về lâu dài, tia cực tím có thể gây nên mộng hoặc “hạt vàng” ở kết mạc. Dần dần, mộng phát triển vào giác mạc và gây ảnh hưởng đến thị lực. “Hạt vàng” là những đám nhỏ màu vàng ở kết mạc và thường không ảnh hưởng tới thị lực.
Đục thủy tinh thể do nhiều nguyên nhân, thường gặp ở người cao tuổi, dẫn đến mù lòa, nhất là ở những nước thiếu khả năng, phương tiện cho phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục và thay thủy tinh thể nhân tạo. Có 3 loại đục thủy tinh thể cơ bản: đục vỏ, đục nhân và đục bao sau. Nhiều nghiên cứu dịch tễ đã cho thấy sự tiếp xúc với ánh nắng kéo dài dần dần gây nên tình trạng đục vỏ thủy tinh thể.
Khi nhìn lâu hoặc trực tiếp vào mặt trời, nhất là vào khoảng thời gian giữa trưa, có thể gây nên tình trạng bỏng võng mạc (viêm võng mạc do ánh nắng). Tình trạng này cũng thường thấy sau khi xem nhật thực mà không dùng kính bảo vệ mắt. Ngoài ra, bệnh thoái hóa hoàng điểm ở người cao tuổi – một nguyên nhân gây mù lòa hay gặp nhất ở các nước phát triển – cũng được cho là có liên quan đến quá trình tiếp xúc lâu dài với ánh nắng (hoàng điểm nằm ở trung tâm võng mạc, là nơi giúp chúng ta có được màu sắc, hình ảnh của các đồ vật một cách rõ nét nhất).
Bạn cần làm gì?
Biện pháp quan trọng nhất để tránh tác hại của ánh nắng đối với mắt là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đặc biệt từ 11 giờ đến 16 giờ, là khoảng thời gian có nhiều tia tử ngoại nhất. Do đó, đối với một số nghề nghiệp phải làm việc ngoài trời, nên sắp xếp công việc hợp lý, tốt nhất là làm việc trước 11 giờ và sau 16 giờ.
Khi bắt buộc phải làm việc dưới ánh nắng, nên tạo bóng râm như làm lán trại, che ô,… nên có các phương tiện che nắng như đội mũ rộng vành, dùng khăn che mặt, đeo kính có chức năng chống tia cực tím,…
Việc ánh mặt trời gây hại cho mắt có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm chứ không chỉ vào mùa hè, vì vậy hãy luôn mang kính râm chống tia cực tím, bôi kem chống nắng và đội mũ rộng vành mỗi khi ra ngoài.
ThS.BS. HOÀNG ANH TUẤN (suckhoedoisong)